(Chinhphu.vn) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt ra trong buổi làm việc với Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam, chiều 27/11.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng mô hình tổ chức, hoạt động của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam rất đáng trân trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Nhiều hội, đoàn thể được hình thành để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, trong đó có Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam.
"Việc tổng kết, đánh giá hoạt động của Hội sẽ là cơ sở quan trọng để đề xuất cơ chế, chương trình phối hợp thiết thực, hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành và Hội nhằm tiếp tục nâng cao sức khoẻ của người dân", Phó Thủ tướng mong muốn.
Được thành lập từ năm 2008, đến nay, Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam có 3.000 liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ… hoạt động tại trên 50 tỉnh, thành phố, với hơn 2 triệu hội viên chính thức và nhiều người dân trong cộng đồng tham gia thường xuyên vào các phong trào chăm sóc, tự chăm sóc, nâng cao sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật.
Các lĩnh vực hoạt động chính của Hội bao gồm: Truyền thông, giáo dục về sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ; xây dựng và phát triển phong trào rèn luyện sức khoẻ cộng đồng thường xuyên, sâu rộng khắp trong cả nước theo hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh, hướng tới một xã hội lành mạnh; đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; xây dựng mô hình giáo dục chăm sóc sức khoẻ sớm ở trẻ em; tích cực tham gia công tác phản biện và giám sát xã hội; tổ chức các đợt hoạt động từ thiện gắn với giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Đại diện các cấp hội chia sẻ kinh nghiệm và thành công trong triển khai hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã chia sẻ về sự cần thiết, cũng như kinh nghiệm triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng về thể chất, tinh thần, môi trường. Đặc biệt là các phong trào tự chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, tổ chức các điểm chăm sóc y tế miễn phí, giáo dục sức khoẻ trẻ em những năm đầu đời… Qua đó, góp phần giảm số người phải khám, chữa bệnh, tăng cường sức lao động cho xã hội và tăng trưởng cho nền kinh tế.
Lãnh đạo, đại diện các Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, đánh giá cao chương trình hoạt động phong phú, đa đạng của Hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hướng tới mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng theo nguyên lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhất là những bệnh không lây nhiễm; nâng cao nhận thức của người dân về chế độ dinh dưỡng và rèn luyện hợp lý; tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, hợp tác công–tư trong lĩnh vực y tế; áp dụng thành công bước đầu mô hình giáo dục chăm sóc sức khoẻ sớm ở trẻ em…
Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng mô hình tổ chức, hoạt động theo hướng tinh gọn, năng động, linh hoạt và hiệu quả, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp cận và triển khai toàn diện hoạt động về sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ toàn diện… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nhất là ở tuyến cơ sở.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các chương trình hợp tác giữa Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam và các bộ, ngành phải hiệu quả, thực chất, lượng hoá được - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao mô hình hoạt động và kết quả của các phong trào quần chúng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng tại các địa phương do Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam triển khai với sự phối hợp tích cực của các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, các hội Khuyến học, Quân dân y, Bác sĩ gia đình, Người cao tuổi…
Bên cạnh đó, Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách về y tế cơ sở, y học gia đình, chăm sóc người cao tuổi, nâng cao nhận thức về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, môi trường sống…
"Mô hình tổ chức, hoạt động của Hội rất đáng trân trọng, tập hợp được thành phần đa dạng trong xã hội được nhân dân đồng tình, ủng hộ để nâng cao sức khoẻ con người và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống toàn diện, số năm sống khoẻ mạnh cho người dân", Phó Thủ tướng nói.
Cùng với các hình thức động viên, khen thưởng phù hợp, kịp thời các cấp hội, Phó Thủ tướng đề nghị Hội tổng kết những nội dung, lĩnh vực, chương trình về sức khoẻ cộng đồng đang thực hiện hiệu quả, từ đó tiếp tục nhân rộng, nâng cao nhận thức về sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ chủ động của người dân.
"Cần có hội đồng khoa học để đánh giá toàn diện phương pháp, chương trình giáo dục, chăm lo những năm đầu đời cho trẻ em để các cháu có nền tảng phát triển tốt nhất về thể chất, trí tuệ", Phó Thủ tướng gợi mở.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu dự cuộc làm việc của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam, chiều 27/11 - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTB&XH, với phạm vi, lĩnh vực quản lý được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ cùng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam trên cơ sở tập trung nguồn lực, nhân tài vào những lĩnh vực thế mạnh làm nền tảng mở rộng quy mô hoạt động, có mô hình linh hoạt, khoa học, không hành chính hoá.
Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ phối hợp với Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam để hoàn thành các thủ tục bổ sung Hội tham gia làm thành viên của Uỷ ban Quốc gia về Người cao tuổi.
Bộ TN&MT xây dựng chương trình hợp tác về sức khoẻ môi trường với Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam.
"Các chương trình hợp tác giữa Hội và các bộ, ngành, hội đoàn thể khác phải hiệu quả, thực chất, lượng hoá được", Phó Thủ tướng lưu ý và mong muốn Hội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu; truyền thông, trang bị các kiến thức y tế, sức khoẻ cần thiết cho người dân;…
Nguồn: Báo (Chinhphu.vn)